Cuộc sống xung quanh ta, bất cứ chỗ nào cũng tồn tại cái gọi là “thiết kế đồ họa”, tất cả những poster, tờ rơi, quảng cáo, bìa tạp chí, sách báo, logo, trang web thậm chí là những hoa văn trên áo, 1 hình trang trí hay tấm danh thiếp nhỏ bé, cũng đều là sản phẩm của thiết kế đồ họa. Vậy trước tiên ta cần hiểu: thiết kế đồ họa là gì?
Thật là khó để định nghĩa một cách chính xác tuyệt đối cho khái niệm này bởi nó quá rộng và bao hàm quá nhiều thứ. Tuy nhiên, có thể nói một cách đơn giản, dễ hiểu nhất, thiết kế đồ họa là việc sử dụng máy tính để thực hiện những sản phẩm liên quan đến đồ họa, hình ảnh, mỹ thuật (và cả phim ảnh nữa). Người thiết kế đồ họa tốt phải có những yêu cầu như: vận dụng thành thạo những kỹ năng thiết kế, các phần mềm thiết kế, có sự sáng tạo để truyền đạt thông tin qua tác phẩm của mình đến người đọc, nắm bắt được mục đích của khách hàng… Một tác phẩm thiết kế tốt là một tác phẩm mà khi nhìn vào, chúng ta thấy được vẻ đẹp của nó, sự hài hòa về hình ảnh, chữ, màu sắc, và thông điệp mà nó muốn gửi đến người xem.
Đồ họa ứng dụng luôn gắn liền với cuộc sống. Chúng ta dễ dàng nhận ra qua những ấn phẩm rất gần gũi và thân thiện như thiệp mời, danh thiếp, hay những tờ gấp quảng cáo, trên vỏ đựng sản phẩm (bao bì), logo…hoặc trên những ấn phẩm mang giá trị tinh thần như bìa sách, truyện tranh… hay góp phần thông tin quảng bá thương hiệu, sản phẩm… đến người tiêu dùng qua các kênh truyền thông khác: poster, truyền hình, internet… Chính vì vậy thiết kế đồ họa là một công việc có nhiều cơ hội để phát triển trong xã hội ngày nay.
Một số thuật ngữ cần biết trong thiết kế đồ họa
Để làm quen với thiết kế đồ họa, các bạn cũng nên biết một số thuật ngữ mà dân “designer” hay sử dụng nhé.
- Typography: Từ ghép bởi "Typo" "và graphic" để mô tả nghệ thuật sắp đặt và kỹ thuật ghép chữ trong in ấn, có thể gọi đơn giản là nghệ thuật font chữ.
- Imagery: Nghệ thuật tạo hình
- Layout: Bản thiết kế.
- Illustration: Minh họa.
- CorelDRAW, Photoshop, Illustrator: Tên một số phần mềm phổ biến và cực kỳ hữu dụng dành cho các nhà thiết kế đồ họa để họ có thể thỏa sức sáng tạo.
- 2D: Không gian hai chiều
- 3D: Không gian ba chiều
- Concept: Ý tưởng thiết kế lớn, bao trùm.
Tôi có khả năng trở thành nhà thiết kế đồ họa giỏi không?
Nếu bạn đang băn khoăn câu hỏi trên thì xin thưa, câu trả lời là hoàn toàn có thể, miễn là bản thân bạn có những yếu tố sau. Thứ nhất, bạn phải có tư duy, ý tưởng sáng tạo bởi nó là điều cơ bản để bạn có thể theo đuổi bất kỳ một ngành nghệ thuật, thiết kế nào. Thứ hai, bạn phải sử dụng thành thạo các phần mềm đồ họa, chúng chính là cánh tay đắc lực để bạn thể hiện thiết kế của mình. Thứ ba, bạn cũng cần có hiểu biết về chuyên môn thiết kế đồ họa cũng như về thế giới xung quanh để mỗi tác phẩm của bạn đều hữu dụng cho khách hàng.
Tôi tin rằng, với niềm đam mê và sự không ngừng học hỏi, các bạn trẻ đã, đang và sẽ trở thành nhà thiết kế đồ họa sẽ có những tác phẩm thật thú vị và xuất sắc, không chỉ để thỏa mãn niềm yêu thích của chính các bạn mà còn góp phần tô đẹp cuộc sống.
Nguồn: designs.vn